Trong thời buổi kinh tế đầy cạnh tranh và nhiều khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp thường hợp tác cùng các doanh nghiệp khác để cùng phát huy những thế mạnh giữa các bên với nhau để cùng nhau phát triển hoặc để tăng cường sự hiện diện trên phạm vi quốc tế và mở rộng thị phần ở các thị trường mới. Các giao dịch này có thể được thực hiện theo (i) hàng ngang - xảy ra giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành nghề, ví dụ: Vào năm 2015, Công ty Bảo hiểm Sun Life Canada tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại PVI Sun Life (PVI Sun Life) từ 49% lên 75% thông qua việc mua lại 26% cổ phần từ PVI [1]; (ii) hàng dọc – xảy ra giữa hai công ty nằm trên cùng một chuỗi giá trị, ví dụ: Masan mua lại chuối siêu thị Vinmart từ Vingroup[2]; hoặc (iii) tổ hợp – xảy ra giữa các công ty hoạt động trong những ngành không có quan hệ với nhau, nhằm làm đa dạng hóa hoạt động của doanh nghiệp, các giao dịch này xảy ra khá nhiều và đa dạng trên thị trường.
Tuy nhiên, các giao dịch giữa các doanh nghiệp nêu trên khi nào được xem là tập trung kinh tế, khi nào thực hiện tập trung kinh tế bị cấm, và khi nào cần thực hiện việc thông báo tập trung kinh tế cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện? Mời quý độc giả cùng tìm hiểu với chúng tôi như bên dưới.
- Giao dịch nào được xem là tập trung kinh tế
Các giao dịch được xem là tập trung kinh tế khi thực hiện một trong các hình thức sau[3]:
- Sáp nhập doanh nghiệp: là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập;
- Hợp nhất doanh nghiệp: là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất;
- Mua lại doanh nghiệp: là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.
Việc kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp khác là khi thuộc một trong các trường hợp sau[4]:
- Doanh nghiệp mua lại giành được quyền sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp bị mua lại;
- Doanh nghiệp mua lại giành được quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trên 50% tài sản của doanh nghiệp bị mua lại trong toàn bộ hoặc một ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại đó;
- Doanh nghiệp mua lại có một trong các quyền sau:
- Trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp bị mua lại;
- Quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp bị mua lại;
- Quyết định các vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại bao gồm việc lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; lựa chọn điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp đó.
- Liên doanh giữa các doanh nghiệp: là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới
- Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.
- Khi nào thông báo tập trung kinh tế cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Các doanh nghiệp tham gia Tập trung kinh tế phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nếu giao dịch thực hiện thuộc một trong các trường hợp sau[5]:
- Các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán thực hiện tập trung kinh tế tại lãnh thổ Việt Nam
- Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
- Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
- Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên; hoặc
- Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia Tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện Tập trung kinh tế.
(Thị trường liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả trong khu vực địa lý cụ thể có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận. Thị phần kết hợp là tổng thị phần trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia vào hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế)
- Các doanh nghiệp là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán thực hiện tập trung kinh tế tại lãnh thổ Việt Nam
- Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên, của công ty hoặc nhóm công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 15.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt 20% trở lên trên tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng trên thị trường Việt Nam trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
- Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 10.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của công ty hoặc nhóm công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt từ 20% trở lên trên tổng doanh thu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
- Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế của doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán từ 3.000 tỷ đồng trở lên; giá trị giao dịch của tập trung kinh tế của tổ chức tín dụng từ 20% trở lên trên tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
- Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liên kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
(Thị trường liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả trong khu vực địa lý cụ thể có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận. Thị phần kết hợp là tổng thị phần trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia vào hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế)
- Trường hợp tập trung kinh tế được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được áp dụng theo mục 2.a.(i), 2.a.(ii), hoặc 2.a.(iv) nêu trên đối với các doanh nghiệp không phải tổ chúc tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán; hoặc mục 2.b.(i), 2.b.(ii) hoặc 2.b.(iv) nêu trên đối với các doanh nghiệp là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán.
- Khi nào thực hiện tập trung kinh tế bị cấm
Giao dịch tập trung kinh tế sẽ bị cấm nếu doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam[6]. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ xác định mức độ ảnh hưởng và gây tác động đến thị trường Việt Nam khi thực hiện tập trung kinh tế.
Do vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý nếu giao dịch tập trung kinh tế thuộc các ngưỡng quy định nêu trên, doanh nghiệp cần thực hiện việc thông báo tập trung kinh tế cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về Khi nào tập trung kinh tế phải thông báo cho Ủy ban kinh tế Quốc gia. Với đội ngũ luật sư nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp các giải pháp tối ưu về hiệu quả, chi phí và tối giản về thủ tục pháp lý cho quý khách hàng. Hãy truy cập Website DIMAC và các chuyên mục tin tức khác của chúng tôi để được cập nhật sớm nhất các thông tin tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm pháp lý về thị trường.
[2] https://cafef.vn/mua-lai-chuoi-sieu-thi-vinmart-tu-vingroup-masan-thanh-ngu-ong-dac-loi-nho-covid-von-hoa-lap-ky-luc-6-ty-usd-sap-tung-at-chu-bai-cho-van-co-ban-le-20210714103604304.chn
[3] Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018
[4] Điều 2.1 Nghị định 35/2020/NĐ-CP
[5] Điều 13 Nghị định 35/2020/NĐ-CP
[6] Điều 30 Luật Cạnh tranh 2018
- NO REQUIREMENT TO REGISTER CHANGES IN ADDRESS INFORMATION DUE TO CHANGES IN ADMINISTRATIVE BOUNDARIES13/05/2025
- CHUYỂN KHOẢN VAY NƯỚC NGOÀI THÀNH VỐN ĐIỀU LỆ05/05/2025
- INVESTING IN DA NANG HI-TECH PARK AND INDUSTRIAL ZONES: THE RISE OF VIETNAM’S ECONOMIC POWERHOUSE23/04/2025
- GIAO DỊCH GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ NGÂN HÀNG KHÔNG CÒN BỊ XÁC ĐỊNH LÀ GIAO DỊCH LIÊN KẾT18/04/2025
- HIGHLIGHTS OF DECREE 58/2025 ON THE DEVELOPMENT OF RENEWABLE AND NEW ENERGY POWER 11/04/2025
- KEY HIGHLIGHTS OF DECREE NO. 57/2025 ON THE MECHANISMS FOR DIRECT POWER TRADING BETWEEN RENEWABLE ENERGY GENERATION ENTITIES AND LARGE ELECTRICITY CONSUMERS08/04/2025