Ngày nay, trong thị trường mở cửa, các giao dịch mua bán diễn ra rất sôi động dưới nhiều phương thức khác nhau, bao gồm cả bằng thương mại điện tử (website). Thông qua Luật thương mại, Luật Giao dịch điện tử và Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, hoạt động mua bán hàng hóa qua website đã được quản lý. Tuy nhiên, do việc mua bán qua phương thức này rất nhanh chóng nên người mua hàng không để ý đến các điều khoản bên bán đưa ra trên website bán hàng mà họ buộc phải chấp nhận, dẫn đến các quyền lợi của họ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không những vậy, một số nhà cung cấp dịch vụ còn vận dụng chưa đúng quy định hiện hành dẫn tới các quyền của bên mua bị vi phạm. Công ty Luật DIMAC (“DIMAC”) xin chia sẻ một vụ việc thực tế mà chúng tôi đã giải quyết để các công ty, cá nhân có thêm thông tin, và giúp bảo vệ quyền lợi của mình.
Vụ việc này phát sinh từ việc một công ty tiến hành mua hàng trên một website bán hàng trực tuyến. Trên trang web của mình, bên bán đã đã ghi sai giá của hàng hóa nhưng khách hàng đặt mua hàng, thanh toán đầy đủ bằng thẻ tín dụng và do đó, theo quy trình, đơn hàng đã nằm trong danh sách chờ giao. Tuy nhiên, sau đó bên bán đã đơn phương thông báo cho bên mua về việc huỷ đơn hàng với lí do giá trị hàng hóa bị ghi sai và giao dịch chỉ được tiến hành nếu khách hàng đồng ý với giá điều chỉnh. Lập luận của bên bán, căn cứ vào Điều khoản và Kiều kiện trên e-website (Terms and Cond[1] với nội dung “bên bán được quyền hủy đơn hàng bởi bất cứ lý do nào”, cho rằng do bên mua đã đồng ý với quy định trong điều khoản này bởi đã đánh dấu vào mục “Tôi đồng ý” và chấp nhận thanh toán. Hậu quả là hai bên đã phát sinh tranh chấp khi bên bán kiên quyết không bán sản phẩm với giá đã niêm yết sai còn bên mua vẫn yêu cầu bên bán phải giao hàng do họ đã thanh toán đầy đủ giá niêm yết của bên bán.
Trong vụ việc này, có cơ sở để thấy rằng Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010[2] không cho phép bên bán (i) không công nhận các điều khoản cho phép bên cung cấp hàng hóa dịch vụ loại trừ trách nhiệm của mình với người tiêu dùng; (ii) tự ý thay đổi các điều kiện của hợp đồng trước đó; và (iii) thay đổi giá tại thời điểm giao hàng. Do vậy, điều khoản mà bên mua viện dẫn là không phù hợp với quy định hiện hành nên không có hiệu lực pháp luật.
Từ các sự kiện xảy ra, giao dịch giữa hai bên, do giá sản phẩm trên e-website bị sai lệch, có thể bị vô hiệu tương đối do nhầm lẫn về giá.[3] Do vậy, nếu các bên không đạt được thỏa thuận thì bên mua cần đưa vụ việc ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết, dưới hình thức một quyết định của Tòa án về tính hiệu lực của giao dịch. Khi đó để Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu thì bên mua sẽ phải chứng minh giao dịch này bị vô hiệu do yếu tố nhầm lẫn,[4] trong khi bên bán phải chứng minh mình có quyền thay đổi giá bán. Nếu giao dịch bị tuyên vô hiệu, các bên sẽ phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, như đã phân tích, việc bên bán căn cứ vào Điều khoản và Điều kiện để từ chối giao hàng là không phù hợp với quy định hiện hành.
Để tiết kiệm thời gian và công sức, hai bên nên giải quyết vấn đề thông qua thương lượng. Bên mua cần làm cho bên bán hiểu rằng thậm chí Điều khoản và Điều kiện đã đăng trên website và việc thanh toán đã tiến hành nhưng quy định đó là không phù hợp với pháp luật. Trong khi đó, bên bán, đã giữ hình ảnh của mình, nên có thiện chí hợp tác, giải thích để bên mua thông cảm với việc ghi giá nhầm lẫn là do lỗi không cố ý của bên bán, đồng thời thuyết phục bên mua đồng ý với giá mới, nếu phù hợp. Một giải pháp khác là hai bên sẽ thảo luận để thống nhất một mức giá hợp lý khác trên thị trường cho món hàng đó. Ngoài ra, bên bán nên có chính sách ưu đãi cho các giao dịch tiếp theo để giữ mối quan hệ với khách hàng.
Để vấn đề này không xảy ra, bên bán cần thận trọng khi đưa giá đối với hàng hoá đã niêm yết trên website bán hàng. Đối với Điều khoản và Điều kiện, bên bán nên sửa đổi lại nội dung để đảm bảo sự rõ ràng, tránh gây hiểu lầm cho khách hàng và cũng để phù hợp với các quy định đang áp dụng cho các giao dịch thông qua e-website.
[1]Điều 3 trong Hợp đồng mua bán trên e-website:“Chúng tôi được quyền từ chối hoặc hủy đơn hàng của bạn bởi bất cứ lý do nào tại bất cứ thời điểm nào”
[2] Điều 16.1(đ), của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010:
- Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực trong các trường hợp sau đây: (a) Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật;… (c) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương thay đổi điều kiện của hợp đồng đã thỏa thuận trước với người tiêu dùng hoặc quy tắc, quy định bán hàng, cung ứng dịch vụ áp dụng đối với người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không được thể hiện cụ thể trong hợp đồng;…(đ) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ; … ”
[3] Khoản 1 Điều 126 của Bộ Luật Dân sự 2015: “1. Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu”
[4] Khoản 1 Điều 91 của Bộ luật Tố tụng Dân sự: “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Trợ lý Bùi Chính Tâm
Công ty Luật TNHH DIMAC
- DIMAC’s workshop “Commercial Contract Validity, Secured Investment Structures and Necessary Role of Lawyer” was held successfully in Da Nang City.04/12/2019
- [Da Nang] Workshop on “Commercial Contract Validity, Secured Investment Structures and Necessary Role of Lawyer19/11/2019
- Agenda of “Commercial Contract Validity, Secured Investment Structures and Necessary Role of Lawyer” workshop18/11/2019
- Hội Thảo Chuyên Sâu Về Quản Lý Rủi Ro Pháp Lý Trong Đầu Tư Kinh Doanh Và Phương Thức Hòa Giải Quốc Tế Trong Thời Kỳ Chiến Tranh Thương Mại 201928/10/2019
- DIMAC LAW FIRM RECEIVED ASIALAW PROFILE AWARDS IN 201924/10/2019
- 13/04/2019