Nguyễn Phương Thảo – Luật sư Cao cấp
Nguyễn Thị Mỹ Duyên – Trợ lý Luật sư
Hiện tại đã có quy định về tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử theo Nghị định số 85/2021. Như vậy có thể hiểu dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử sẽ thay thế cho hoạt động công chứng hợp đồng hay không?
1. Phạm vi, chức năng của dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử
Theo định nghĩa tại Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử thì “Dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử là dịch vụ của bên thứ ba về lưu trữ và bảo đảm tính toàn vẹn của chứng từ điện tử do các bên khởi tạo trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng”
Theo đó, hoạt động này phải thực hiện trên môi trường điện tử và phải có đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền. Chức năng của tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử bao gồm (i) lưu giữ chứng từ điện tử để bảo đảm tiêu chí tin cậy trong quá trình trao đổi và sử dụng chứng từ điện tử; và (ii) bảo đảm tính toàn vẹn dữ liệu của chứng từ điện tử, phương án định danh và chứng thực điện tử của các bên liên quan đến hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử.
Từ các quy định nêu trên của Nghị định 52/2013 và Nghị định 85/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013, tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử chỉ hoạt động trên môi trường điện tử để xác thực tính tin cậy của các dữ liệu điện tử được tạo lập trên môi trường điện tử, bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu, và định danh các bên liên quan giao kết hợp đồng điện tử.
Theo đó, tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử sẽ không có các phạm vi, chức năng hoạt động giống như hoạt động chứng thực công chứng hợp đồng của tổ chức hành nghề công chứng. Ngoài ra, tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử sẽ không thể xác thực ý chí tự nguyện, không bị lừa dối, ép buộc khi giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử như hoạt động công chứng hợp đồng của tổ chức hành nghề công chứng. Như vậy có thể kết luận rằng hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử sẽ chưa thể thay thế hoạt động công chứng trên môi trường điện tử, vì có phạm vi, chức năng hoạt động khác nhau.
2. Dự thảo về công chứng trên môi trường điện tử
Hiện tại Bộ tư pháp đang có dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Công chứng để bổ sung một số bước trong quy trình công chứng hợp đồng, giao dịch có thể được thực hiện trên môi trường điện tử, cụ thể như:
- Gửi yêu cầu công chứng, giải thích cho người yêu cầu công chứng về quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng;
- Soạn thảo văn bản công chứng, ký của các bên và công chứng viên;
- Thu-nộp phí, thù lao công chứng; và
- Cung cấp thông tin liên quan đến việc công chứng.
Ngoài ra, dự thảo còn phác thảo một số hoạt động công chứng trên môi trường điện tử, cụ thể:
- Bổ sung quy định công nhận giá trị chứng cứ của văn bản công chứng do công chứng viên chứng nhận, ký bằng chữ ký số và được lưu giữ tại cơ sở dữ liệu công chứng tập trung;
- Bổ sung quy định cho phép tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng từ xa thông qua email, tin nhắn, website hoặc các phần mềm chuyên dụng; và
- Bổ sung quy định cho phép nhiều hơn một công chứng viên chứng nhận một giao dịch để giảm thiểu việc đi lại cho người dân trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng không thể có mặt ở cùng một địa điểm.
Theo đó, trong tương lai sẽ có hoạt động công chứng trên môi trường điện tử, cho phép tiếp nhận, soạn thảo hợp đồng, giao dịch và chứng nhận văn bản bằng chữ ký số của công chứng viên. Nếu quy định mới được thông qua, hoạt động công chứng trên môi trường điện tử sẽ giảm thiểu chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian thực hiện thủ tục và còn bảo đảm an toàn về dữ liệu được giao kết thông qua môi trường điện tử.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về việc chứng thực hợp đồng điện tử có thay thế cho hoạt động công chứng hợp đồng hay không. Với đội ngũ luật sư nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp các giải pháp tối ưu về hiệu quả, chi phí và tối giản về thủ tục pháp lý cho quý khách hàng. Hãy truy cập Website DIMAC và Các chuyên mục tin tức khác của chúng tôi để được cập nhật sớm nhất các thông tin tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm pháp lý về thị trường.
- GLOBAL MINIMUM TAX RATE – EXPERIENCES FROM OTHER COUNTRIES AND RECOMMENDATIONS FOR VIETNAM 09/10/2024
- MULTI-PURPOSE LAND USE: IS IT FEASIBLE?11/09/2024
- ĐIỂM MỚI CỦA DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI THEO LUẬT NHÀ Ở 202306/09/2024
- NOTABLE REGULATIONS DIRECTLY AFFECTING LAND USE RIGHTS IN INDUSTRIAL ZONES FOR FOREIGN-INVESTED COMPANIES26/07/2024
- CƠ CHẾ MUA BÁN ĐIỆN TRỰC TIẾP GIỮA ĐƠN VỊ PHÁT ĐIỆN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VỚI KHÁCH HÀNG SỬ DỤNG ĐIỆN LỚN THEO NGHỊ ĐỊNH 80/2024/NĐ-CP22/07/2024
- LƯU Ý KHI GIAO KẾT HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ TRONG CÁC LĨNH VỰC LAO ĐỘNG VÀ THƯƠNG MẠI12/07/2024