Công nghệ có thật sự làm luật sư mất việc?
Admin - 24/10/2019

Trong thời đại 4.0, công nghệ thay đổi căn bản cơ cấu, cấu trúc thị trường pháp lý truyền thống, từ đó thay đổi cách thức làm việc, xử lý công việc của luật sư, cách thức luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Công nghệ đã trở thành một trong những yếu tố chính làm thay đổi thị trường pháp lý toàn cầu. (1)

 

Hiện nay, công nghệ đã tạo nên thị trường pháp lý trực tuyến như đào tạo pháp lý trực tuyến; hướng dẫn pháp lý trực tuyến; giải quyết tranh chấp trực tuyến; dịch vụ tự động phân tích tài liệu. Trong tương lai không xa, công nghệ sẽ giúp tự động hóa nhiều hoạt động pháp lý của luật sư. Một số công việc luật sư đang thực hiện có thể không còn nữa, chẳng hạn những công việc có tính chất lặp đi lặp lại hoặc mang tính chất thủ tục (xin giấy phép, theo dõi giấy phép hết hạn); soạn thảo hợp đồng đơn giản (bao gồm hợp đồng lao động) với những điều khoản chuẩn; trả lời câu hỏi pháp lý tự động; tra cứu văn bản pháp lý. Bên cạnh đó, công nghệ mà cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ tạo thêm những việc làm mới trong lĩnh vực pháp lý, như kỹ sư lập trình kiến thức pháp lý, nhà khoa học dữ liệu pháp lý, luật sư hành nghề giải quyết tranh chấp trực tuyến, nhà phân tích thủ tục pháp lý. Các dịch vụ liên quan đến pháp lý mới cũng sẽ xuất hiện, cụ thể như các nhà xuất bản pháp lý, nhà cung cấp bí quyết pháp lý; dịch vụ cho thuê luật sư; nhà cung cấp dịch vụ pháp lý trực tuyến; công ty tư vấn quản lý công ty luật; công ty công nghệ về pháp lý.

 

Trong một nghiên cứu mới đây (2), có bốn nhóm việc làm sẽ chịu tác động từ sự thay đổi của công nghệ là: (i) nhóm ít chịu tác động bao gồm giáo viên, bác sĩ, hướng dẫn viên du lịch, cố vấn tài chính, gia sư; (ii) nhóm an toàn gồm: luật sư hình sự, giám đốc điều hành, giám đốc quan hệ công chúng, chuyên viên phân tích nhiệm vụ công nghệ thông tin, bác sĩ thần kinh, tình nguyện viên công tác xã hội; (iii) nhóm chịu tác động chậm và lâu dài: nhà bình luận, nhà khoa học dữ liệu, đồ họa viên, nhà khoa học, nghệ sĩ, nghiên cứu y khoa, phân tích pháp lý và tài chính; và (iv) nhóm nguy hiểm: người phiên dịch, lập trình viên cơ sở, tiếp thị qua điện thoại, chuyên viên quản lý cơ sở dữ liệu, nhân viên chăm sóc khách hàng, bác sĩ chụp X-quang, người giúp khai thuế cá nhân. Trong bốn nhóm trên, nghề luật thuộc nhóm chịu tác động chậm, diễn ra từ từ và ở mỗi quốc gia sự thay đổi diễn ra với tốc độ và phạm vi khác nhau. Các nước có nền công nghệ và pháp lý phát triển như Anh, Mỹ, các nước châu Âu đang đi đầu và chứng kiến những thay đổi rõ nét nhất trong lĩnh vực pháp lý. Tại Singapore, một số công ty công nghệ và công ty luật đã bắt đầu quan tâm và xây dựng các nền tảng AI và blockchain vào lĩnh vực pháp lý. Một số startup tại Malaysia kết hợp với hãng luật nước này đến Việt Nam giới thiệu về mô hình soạn thảo di chúc trên nền tảng blockchain và đang muốn thương mại hóa tại Malaysia và Việt Nam. Tại Việt Nam, mặc dù một số công ty khởi nghiệp bắt đầu quan tâm đến ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực pháp lý, nhưng mới chỉ dừng ở những công việc đơn giản như tạo kênh kết nối giữa luật sư với khách hàng. Các công ty này chưa có khả năng khai thác và ứng dụng AI vào lĩnh vực dịch vụ pháp lý cho những công việc chuyên môn mà luật sư đang xử lý hàng ngày cho khách hàng.

 

 

Công nghệ đã và đang dần thay đổi thế giới và ngành luật cũng không ngoại lệ, tuy nhiên luật sư thật sự có mất việc hay phải lo lắng do những sự thay đổi về công nghệ đang diễn ra hay không thì câu trả lời là có thề. Nhưng nhìn chung, công nghệ sẽ thay thế một số việc làm mang tính máy móc, lặp đi lặp lại; và công nghệ có phát triển đến đâu thì Al cũng không thể thay thế được con người, cụ thể nó không thể thương lượng hiệu quả, biết động viên và tìm ra những điều gì đang xảy ra trong xã hội phức tạp, biết dẫn dắt mọi người đi theo hướng mà mình mong muốn. Để luôn làm chủ cuộc sống và thành công trong công việc, đặc biệt là nghề luật, mọi người cần nhìn thấy yếu tố tích cực mà công nghệ mang lại, tận dụng và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, để công nghệ phục vụ tốt nhất cho sự phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó, những ai đam mê theo đuổi nghề luật phải luôn có tư duy toàn cầu, kết nối liên tục, và đặc biệt nên trang bị và học hỏi những kỹ năng lãnh đạo cần thiết. (3)


LS. Bùi Tiến Long -  Công ty Luật DIMAC

 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về Công nghệ có thật sự làm luật sư mất việc. Với đội ngũ luật sư nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp các giải pháp tối ưu về hiệu quả, chi phí và tối giản về thủ tục pháp lý cho quý khách hàng. Hãy truy cập Website DIMAC và Các chuyên mục tin tức khác của chúng tôi để được cập nhật sớm nhất các thông tin tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm pháp lý về thị trường.

 

Tham khảo:
(1) Richard Susskind, Tomorrow’s Lawyers, 2nd edition.
(2) https://www.hoover.org/research/chinas-rise-artificial-intelligence-ingredients-and-economic-implications
(3) Adam Newhouse, E-lawyer - A guide to legal practice leadership in the internet age

Copyright@2018 DIMAC. All Rights Reserved

Follow us

facebook.comLinkedintwitter.comyoutube.com