GIAO DỊCH GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ NGÂN HÀNG KHÔNG CÒN BỊ XÁC ĐỊNH LÀ GIAO DỊCH LIÊN KẾT
Admin - 18/04/2025

Trần Thị Như Quý - Junior Associate

Lê Hữu Tiến – Paralegal

 

Nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, ngày 10/02/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2025/NĐ-CP (“Nghị định số 20/2025”), sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết với một số nội dung nổi bật như sau:

 

  1. Sửa đổi bổ sung làm rõ nội dung về quan hệ liên kết đối giữa doanh nghiệp và ngân hàng

 

Theo quy định Điều 5.2(d) Nghị định số 132/2020 “Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện tổng dư nợ các khoản vốn vay của doanh nghiệp đi vay với doanh nghiệp cho vay hoặc bảo lãnh ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng dư nợ tất cả các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay” thì được xem là các bên có mối quan hệ liên kết.

 

Nghị định 20/2025 đã sửa đổi bổ sung quy định trên không áp dụng với các trường hợp sau:

 

  1. Bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng không tham gia trực tiếp, gián tiếp điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc doanh nghiệp được bảo lãnh theo quy định pháp luật.

 

  1. Bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đi vay hoặc được bảo lãnh không trực tiếp, gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư của một bên khác theo quy định pháp luật.

 

Quy định này giúp tháo gỡ cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng mà không có giao dịch liên kết, không phải chịu quy định về khống chế chi phí lãi vay.

 

  1. Bổ sung đối tượng có quan hệ liên kết

 

Bổ sung các bên có quan hệ liên kết có thể là tổ chức tín dụng với Công ty con hoặc với Công ty kiểm soát hoặc với Công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

 

Bổ sung này giúp đảm bảo các ngân hàng và doanh nghiệp tuân thủ quy định mới một cách thống nhất.

 

  1. Mở rộng trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước

 

Ngoài trách nhiệm trong việc phối hợp cung cấp thông tin, số liệu về các khoản vay, trả nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp cụ thể có giao dịch liên kết khi có yêu cầu từ Cơ quan thuế, Ngân hàng nhà nước còn có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin được báo cáo theo quy định pháp luật về người có liên quan, bao gồm:

 

  1. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng;

 

  1. Người có liên quan của cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng; và

 

  1. Công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo hệ thống thông tin dữ liệu quản lý của Ngân hàng Nhà nước khi cơ quan thuế đề nghị.

 

Việc này giúp cơ quan thuế dễ dàng kiểm tra, giám sát các giao dịch liên kết liên quan đến tín dụng và tránh gian lận thuế.

 

Nghị định 20/2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 27/03/2025 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về Trường hợp giao dịch giữa doanh nghiệp và ngân hàng không còn bị xác định là giao dịch liên kết. Nếu bạn đang quan tâm hoặc cần hỗ trợ tư vấn pháp lý cho những quy định trênHãy truy cập Website DIMAC và Các chuyên mc tin tc khác của chúng tôi để được cập nhật sớm nhất các thông tin tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm pháp lý về thị trường.

 

Copyright@2018 DIMAC. All Rights Reserved

Follow us

facebook.comLinkedintwitter.comyoutube.com